0

Kỹ thuật trồng và chăm sóc Lan Cattleya | Theo Nguyễn Ngọc Hà

Đăng bởi Nguyễn Văn Thao vào lúc 01/12/2022

Nếu bạn muốn bốn mùa lan nở, trong khu vườn luôn có những bông hoa to, thơm ngào ngạt và rực rỡ, thì Cattleya hay Cát Lan là một sự lựa chọn tuyệt vời. 

Mấy năm gần đây, phong trào chơi lan bùng nổ mạnh mẽ, và dù các giống lan khác có được rất nhiều người săn lùng, thì Cát Lan vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng người mê lan chân chính. 
Từ vài chục năm trước, các nghệ nhân và những tiền bối chơi lan đã sưu tầm và sở hữu rất nhiều giống Cát Lan quý hiếm hoặc các nhà vườn đã có quy mô lớn nhân giống lan này đưa đi khắp các sân vườn trên dải đất hình chữ S. Nếu các bạn vào Google tìm kiếm kỹ thuật trồng Cát Lan, chắc chắn sẽ tìm thấy rất nhiều, nhưng nội dung bài viết của tôi sẽ chia sẻ với các bạn vài điểm khác biệt và kinh nghiệm thực tế tôi đã đang làm, rất thành công.
1. Xử lý giống 
Nếu lan giống gieo hạt trong cốc, các bạn sẽ thấy mỗi chậu tôi trồng 1 cốc được đưa ra từ trong chai sau 8 tháng hoặc những khóm với 2 - 3 giả hành. 
Điều cơ bản nhất là phải cắt tỉa sạch sẽ rễ già, nát, dập hoặc rễ trên 6 tháng tuổi. Rễ non tơ thì nên giữ lại. 
Nếu giống khô ráo, không dập nát, dụng cụ lao động sạch sẽ thì cũng không cần phải ngâm thuốc gì cả. 
Nếu mọi thứ không sạch sẽ, giống có dấu hiệu thối thì nên ngâm Nano Bạc Hùng Nguyễn hoặc Nano Kito hoặc Benkona 5 phút rồi để khô ráo là trồng được. 
Nếu là tách từ khóm lan trưởng thành thì tôi cắt trụi và tách thành từng cặp giả hành.
2. Giá thể 
Cát Lan là một giống lan rất dễ trồng, giá thể gì cũng dùng được. 
Ví dụ như Dớn Vụn NewZita, Vỏ Thông, Dớn Cù Lần, Viên Đất Nung, Xơ Dừa, Than, Rêu Rừng NewZita, Dớn Chile,... 
Nhưng, dù trồng bằng bất kỳ giá thể gì, cũng cần phải đảm bảo giá thể sạch sẽ. 
Sạch đất, cát, trứng sên và giun, bùn, rong nhớt, acid hoặc kềm, hạt cỏ dại, côn trùng và trứng của chúng,... 
Kinh nghiệm của tôi là đem giá thể rửa qua 5 lần nước lã rồi mới sử dụng. 
3. Trồng Cát Lan 
Cho giá thể vào chậu và đặt khóm lan lên trên giá thể là xong. 
Chỉ cần lưu ý 3 điều:
- Cố định không để gốc bị lay, xoay lung tung và lắc lư. Bạn có thể dùng kẹp bướm cố định giả hành vào móc sắt hoặc lấy dây cột giả hành vào thành chậu,... 
- Không nên trồng khóm lan vào giữa chậu. Bạn chú ý quan sát "hướng đi" của mầm để dự đoán tương lai mầm sẽ dần dần "bò" ra giữa chậu. 
- Đối với giống tách và cắt trụi rễ, phủ lên trên bề mặt chậu 1 lớp xơ dừa bột khoảng 1cm để giữ ẩm và nhử rễ. 
4. Phân bón
Nếu bạn chỉ chơi lan tài tử, không có nhiều thời gian phun phun xịt xịt, thì chỉ cần bón Viên nén dinh dưỡng Ben01 (hoặc Ben03) của thương hiệu Hùng Nguyễn (hữu cơ) kết hợp với phân tan chậm thông minh Hàn Quốc 20.10.10 hoặc phân chì của Nhật 13.11.11 Me (vô cơ).
Cứ 3 tháng bỏ 1 lần. Một năm bỏ 4 lần. Cũng không cần phun thêm phân gì cũng được.
Khi mới trồng, bạn nên tập trung tạo bộ rễ bằng việc phun chế phẩm Hùng Nguyễn 6 trong 1 hoặc TeraSorb4; B1; Siêu Lân 10.55.10Te; N3M... 
Nếu giàn đủ nắng (chỉ che 1 lớp lưới), thoáng, tưới nước sạch đủ ẩm thì không cần kích, Cát Lan ra hoa rất dễ và hoàn toàn tự nhiên. 
Nếu bạn muốn làm kinh doanh hoặc cầu kỳ phức tạp hơn, để lan béo ú và ra hoa thật thật nhiều thì có thể bổ sung thêm Cambi Nhật 1 tháng 2 lần, phân bón lá 6.30.30 để kích hoa khi cây không chịu ra hoa. 
Tóm lại là cây khó ra hoa hoặc không chịu ra hoa mà chỉ đẻ thì bạn phun phân có nhiều Lân và Kali ngay khi mầm gốc bắt đầu nảy. 
5. Tưới
Giá thể khô ráo thì tưới.
Không bón phân thì tưới đủ ẩm cũng được, đẫm cũng được. 
Nhưng nếu bón phân thì tưới lần nào phải thật đẫm lần đó.
Tưới không đủ nước rễ lan sẽ chết vì mặn. 
Tưới ngày mấy lần hay mấy ngày một lần? Phụ thuộc vào giá thể và tiểu khí hậu trong mỗi giàn. Cơ bản là thấy giá thể khô thì tưới! 
Nước bắt buộc phải là nước sạch. 
6. Phun thuốc
Chỉ cần phòng côn trùng là đủ, không cần phòng bệnh. 
Cây nào bị bệnh thì cắt vứt đi là được. Đã bị bệnh có cố chạy chữa cũng là không ra gì. 
Thuốc phòng côn trùng chủ yếu là thuốc nhúng mùng hoặc Ben02 Hùng Nguyễn hoặc các loại thuốc sinh học đuổi côn trùng. Các miếng dán côn trùng. 
Tốt hơn cả là giàn có lưới che côn trùng. 
Nếu bị rệp và bọ trĩ thì pha Movento + Fendona phun 3 lần liên tục, 5 ngày 1 lần, chiều mát. 
Nếu giàn lan thoáng, đủ nắng, giàn với giá thể sạch sẽ và phòng côn trùng đều đặn, thì dù có mưa bao nhiêu lâu, giá thể có ẩm ướt như thế nào đi nữa, lan vẫn không bị bệnh. 
Tôi hy vọng rằng, ai cũng trồng và chăm sóc Cát Lan thành công. Càng đưa mọi thứ trở về "đơn giản" thì càng hạnh phúc.
Sự Đơn Giản chính là Đẳng Cấp.
Theo Nguyễn Ngọc Hà/Lâm Đồng
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Nhà Vườn Thanh Trà
ĐĂNG NHẬP
Nhận nhiều ưu đãi hơn